Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: GDP quý I tăng 3,82%, thấp nhất trong hơn 10 năm

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại họp báo chiều 27/3, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn nền kinh tế đạt 3,82% trong quý I/2020. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2009, cho thấy những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, tình trạng hạn mặn ở các tỉnh phía Nam cũng như nhiều khó khăn khác mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong những tháng đầu năm. Cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng GDP đạt 6,82%.

Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 3,27%, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng từ hơn 5% đến hơn 7%. Ngoài ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng chưa đến 1%.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I của Việt Nam giai đoạn 2009-2020. Số liệu: GSO

Thay mặt cơ quan thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm lý giải mức tăng thấp 3,82% GDP quý I là do bối cảnh thế giới suy giảm, giá dầu thô giảm mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn và căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam.

Cùng với đó, dòng vốn cấp mới FDI vào Việt Nam đạt khoảng 8,6 tỷ USD, giảm hơn 20% và số vốn giải ngân chỉ đạt khoảng 3,9 tỷ USD, giảm hơn 6% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên vốn FDI giải ngân giảm trong giai đoạn 2016-2020.

Ngành thống kê tính toán nếu dịch kết thúc vào quý II, quy mô GDP sẽ giảm khoảng 55.000 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Ngành thiệt hại lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, hơn 21.170 tỷ đồng. Tương tự, nếu dịch kết thúc trong quý III, GDP sẽ giảm khoảng 65,230 tỷ, trong đó ngành lưu trú và du lịch sẽ thiệt hại khoảng 22.880 tỷ đồng.

Ngay sau khi có được kết quả tăng trưởng GDP quý I, Tổng cục Thống kê đã xây dựng lại kịch bản tăng trưởng cả năm dựa trên năng lực mới tăng, chất lượng tăng trưởng, phù hợp với bối cảnh khu vực và thế giới. Theo đó, hai kịch bản tăng trưởng gồm, nếu dịch kéo dài đến hết quý II, tăng trưởng GDP trên 5% và nếu dịch lây sang qúy III, tăng trưởng GDP vẫn trên 5% nhưng thấp hơn so với kịch bản đầu tiên. 

Ngoài ra, ngành thống kê vẫn xây dựng kịch bản để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% như Quốc hội đã giao trước đó. Nhưng ngay từ đầu ngành thống kê đã tham vấn với Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư rằng, đây là kịch bản rất khó đạt được khi đặt trong bối cảnh khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều có dự báo tăng trưởng âm hoặc chậm lại do đóng cửa để ưu tiên chống dịch. Trong khi đó, độ mở của nền kinh tế tính đến quý I là 242% so với GDP. 

Ông Lâm cho rằng: “Nếu tăng trưởng kinh tế cả năm nay của Việt Nam dương hoặc trên 5% đã là thành công rực rỡ”. Trả lời câu hỏi, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, Việt Nam có nên điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội hay không? Ông Lâm cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% được xây dựng khi chưa có dịch xảy ra. Nếu điều chỉnh mục tiêu thấp hơn để hoàn thành các chỉ tiêu thì không cần thiết. Quan trọng hơn, trong bối cảnh dịch như vậy, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã nỗ lực và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để đạt được kết quả cao nhất. 

Về cơ cấu kinh tế, kết thúc quý I, khu vực nông, lâm và thủy sản chiếm tỷ trọng hơn 10%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm hơn 35%, khu vực dịch vụ chiếm hơn 43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm hơn 10%. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê: "Đây là một cơ cấu khá lạ so với cùng kỳ tương ứng".

Trao đổi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định dù tăng trưởng kinh tế quý I Việt Nam chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với khu vực và thế giới. 

Trong bối cảnh như vậy, Tổng cục thống kê đề xuất một số giải pháp ứng phó, trong đó ưu tiên giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực hộ kinh doanh cá thể..., để tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, máy móc thay thế, tháo gỡ khó khăn để duy trì hoat động sản xuất. Ngoài ra, cần có chính sách đặc biệt hỗ trợ với ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch... thông qua miễn, giãn, giảm thuế xuất nhập khẩu, khoanh nợ, không thay đổi nhóm nợ, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và mất việc làm cho người lao động và vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước.

Tuy nhiên ông Lâm cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ trách nhiệm với nhà nước thay vì chỉ “kêu” nhiều như thời gian vừa qua.

Ngoài ra, đại diện cơ quan này cho rằng tập trung, xử lý điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính và thể chế. Trong đó, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công đặc biệt các dự án giao thông trọng điểm, có quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Ví dụ như mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành và cao tốc Bắc Nam.

Cũng theo ông Lâm, cần đẩy mạnh đầu tư công là giải pháp hiệu quả giúp bù đắp tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Nếu đầu tư công tăng 1% thì đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Vốn đầu tư công sẽ chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo vốn mối cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác. 

 
Nguồn: https://ndh.vn/