Tiếng Việt | English
Tin tức & Sự kiện
LIÊN HỆ

Cty TNHH Tư Vấn Sóng Xanh

Lầu 8, Tòa nhà Loyal

Số 151 đường Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: + 84 928 251 259         

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TỨC: Công nghệ sẽ là lời giải giúp tăng giá trị nông sản Việt Nam

Trong hơn 4 tiếng với hai phiên thảo luận, các diễn giả đồng thuận rằng công nghệ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi nông sản Việt. 

 

Câu hỏi lớn dành cho nền nông nghiệp Việt: Đâu là át chủ bài?

Với phong cách phát biểu ngắn gọn mà dí dỏm thường lệ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT kiêm Trưởng ban Điều hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) đi thẳng vào trọng tâm của sự kiện trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn. Theo đó, ViEF chuyên đề nông nghiệp tập trung vào hai chủ đề chính: mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt. 

Nhìn tổng quan, câu hỏi lớn mà vị trưởng ban điều hành đặt ra cho các diễn giả là "Át chủ bài cho một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam là gì? Làm sao biết được đó là át chủ bài? Làm thế nào để át chủ bài này đi ra được với thị trường thế giới?

Trưởng ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF Trương Gia Bình đặt câu hỏi cho các diễn giả.  Ảnh: Ngọc Thành

Chủ đề nói trên nhận được sự đồng tình từ nhiều chuyên gia và nhà quản lý. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, chọn chuyên đề Nông nghiệp để mở màn cho chuỗi sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là lựa chọn đúng và chính xác trong tình hình hiện nay.

Còn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, diễn đàn đang chạm đến vấn đề khó nhất của ngành nông nghiệp, trong đó có thay đổi quy mô thị trường trong nước. 

Trong bài phát biểu được chuẩn bị công phu đi kèm với slideshow dài 20 trang dày đặc số liệu, Tiến sĩ Sơn đưa ra những bối cảnh đòi hỏi nền nông nghiệp Việt cần phải thay đổi và hàng loạt rào cản đang kìm giữ nông nghiệp Việt Nam, bao gồm rào cản kỹ thuật trong hội nhập, vấn đề thể chế, khoa học công nghệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, phát thải cacbon và biến đổi khí hậu. 

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).  Ảnh: Ngọc Thành

Do có nhiều diễn giả, mỗi người chỉ có thời lượng 10 phút để hoàn thành bài tham luận. Với phong cách khẩn trương, Tiến sĩ Sơn điểm qua các thách thức nói trên, trong đó nhấn mạnh về vấn đề công nghệ. Ông nhận định hàm lượng khoa học công nghệ trong nông nghiệp Việt hiện nay rất thấp. Ông cảnh báo, khi cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư diễn ra, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ tụt hậu lớn nhất.

Không so sánh ở đâu xa, đại diện doanh nghiệp Thái, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group đưa ví dụ những mô hình khác biệt của nước láng giềng Thái Lan. Tại nước này, nuôi 500 con gà trở xuống đã được coi là là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Hơn 70% hộ nuôi gà có quy mô từ 5.000 con trở lên. Trong khi đó, Việt Nam có 8 triệu điểm chăn nuôi, nhưng quy mô từ 100 đến 1.000 con chỉ chiếm 3%, trên 1.000 con chỉ 0,2%. "Quy mô và năng suất hiệu quả các nông trại ở Thái Lan hơn hẳn Việt Nam, các sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên trường quốc tế", ông nói tiếp.

Hai bài tham luận nói trên đã mở ra hàng loạt bài toán mở rộng thị trường cho nông sản Việt để 7 vị diễn giả cùng thảo luận. 

Vấn đề "đâu là át chủ bài" một lần nữa được người điều hành phiên là ông Trương Gia Bình nêu lên, nhận được nhiều câu trả lời từ các vị khách mời. 

Ông Đặng Kim Sơn cho rằng 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD cũng được xem là át chủ bài của nông nghiệp Việt. Còn bà Vũ Kim Hạnh Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất và giá trị gia tăng. "Nông dân và doanh nghiệp của chúng ta ít tiêu chuẩn quá, nhất là tiêu chuẩn quốc tế", chuyên gia này nói.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng dưới góc độ cơ quan quản lý, át chủ bài của nền nông nghiệp vẫn là cơ chế chính sách ngoài dòng vốn. Trong khi đó, là người làm công nghệ với startup Lina Networks, doanh nhân Vũ Trường Ca cho rằng công nghệ sẽ là chìa khóa giải đáp câu hỏi này của vị chủ tọa. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương.  Ảnh: Ngọc Thành

Loạt kiến nghị gửi đến Thủ tướng về mở rộng thị trường cho nông sản Việt

Chốt phiên thảo luận đầu tiên, 7 vị diễn giả đã đưa ra hàng loạt kiến nghị gửi gắm lên Thủ tướng để thay đổi nông nghiệp Việt Nam. 

Ông Nguyễn Quốc Toản kiến nghị nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia vào thị trường nông nghiệp. 

Còn ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Agricare kiến nghị cần thay đổi thói quen tập quán sản xuất của bà con nông dân do giá thành sản xuất còn cao trong khi công nghệ sản xuất, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sâu còn ở mức độ thấp. "Chúng ta phải có hành lang pháp lý tốt nhất, để ưu tiên cho công nghệ phát triển, nhất là các sáng chế trong nước", ông Thắng nêu ý kiến.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng đẩy nhanh quá trình tích tụ, thay đổi quy mô sản xuất giảm chi phí và nâng cao chất lượng. 

Trong khi đó, ông Vũ Trường Ca cho rằng Việt Nam chỉ cần làm một chuyện duy nhất để giải quyết tất cả bài toán, là đưa nông sản Việt lên chuỗi "supply chain" để chuẩn hóa được mọi quy trình. 

Công nghệ cao, lời giải cho nhiều bài toán trong nền nông nghiệp Việt

Trọng tâm tiếp theo của Diễn đàn là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản. Ba vị diễn giả, trong đó có hai chuyên gia quốc tế là Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cung ứng thương mại điện tử Hong Kong và Chuyên gia từ tổ chức tài chính IFC đã đưa ra nhiều mô hình, bài học từ thế giới có thể áp dụng cho Việt Nam. 

Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được các diễn giả nhắc đến như một phương thức để minh bạch thông tin nông sản, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. 

Sở dĩ vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ quan trọng, theo bà Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Công ty VietTrace Verified, là vì ở Việt Nam hiện nay thực phẩm đối mặt với tình trạng không an toàn. Ngay cả mẫu rau lấy từ gia đình hay siêu thị đều vượt ngưỡng thuốc cho phép.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Công ty VietTrace Verified.  Ảnh: Ngọc Thành

Theo ông Terry Chan, hiện hệ sinh thái nông nghiệp từ người nông dân đến người tiêu dùng trải qua quá nhiều khâu trung gian. Trong bài tham luận 10 phút, ông nhận định lợi ích của Blockchain là tăng cường tính minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình, tăng hiệu suất. Công nghệ này sẽ giúp kiểm chứng các hồ sơ giao dịch, quản lý hồ sơ, quản lý quá trình hợp tác... Đặc biệt trong nông nghiệp, blockchain có thể giúp ích trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản. 

Trong phần thảo luận thứ hai về chủ đề ứng dụng công nghệ, đại diện các doanh nghiệp được đề nghị kể về kinh nghiệm của riêng mình. 

Tiến sĩ Võ Văn Quang, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á chia sẻ về ứng dụng công nghệ cao trong ngân hàng. Theo ông Quang, trên thực tế các ngân hàng đều rất ngại cho các doanh nghiệp về nông nghiệp vay vốn vì trước đó nhiều doanh nghiệp nuôi bò sữa đã bị thất bại, kể cả dự án của doanh nghiệp nhà nước. Trải qua nhiều kinh nghiệm, đại diện Bắc Á Bank cho hay vẫn quyết định chọn đầu tư cho TH Group vì nhận thấy doanh nghiệp này áp dụng công nghệ tiên tiến về chăn nuôi bò sữa  của Israel từ khâu trồng cỏ, kỹ thuật quản lý chăm sóc bò, gắn chíp cho bò để có thể biết tất cả tình trạng sức khoẻ, bệnh tật, năng suất của bò ra sao. 

 
Tiến sĩ Võ Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á.  Ảnh: Ngọc Thành

Chia sẻ câu chuyện về ngành hàng rau củ quả sau những thành công gần đây, ông Ưng Thế Lãm, Trưởng nhóm liên kết doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả cũng cho biết nông nghiệp để thành công rất cần công nghệ. Theo ông, người nông dân cần được hỗ trợ để thay đổi tư duy trong nuôi trồng, sử dụng công nghệ, giảm lệ thuộc vào những phương thức làm cũ như lạm dụng sản phẩm hóa học. 

Chia sẻ một kinh nghiệm ngược lại là những khó khăn trong vấn đề công nghệ, đại diện Công ty Hima cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc phê duyệt công nghệ, để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường mất rất nhiều thời gian. "Để nghiên cứu ra một sản phẩm mới vốn đã cần rất nhiều thời gian, nhưng sau đó phải mất thêm 3-4 năm nữa mới có thể đăng ký sản phẩm", đại diện doanh nghiệp này cho hay.  

Sau những đề xuất từ các doanh nghiệp, đại diện nhà quản lý gồm ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn khẳng định, Nhà nước luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để hoạt động nông nghiệp hiệu quả hơn. 

Đồng tình với các đề xuất nâng cao hàm lượng công nghệ của các doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Chiến thông tin, Bộ Khoa học Công nghệ đã được Chính phủ giao làm đầu mối thúc đẩy nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ đã xây dựng dự thảo Chương trình trọng điểm quốc gia về 4.0, trong tháng 6 sẽ xin ý kiến các bộ ngành và sớm trình Thủ tướng phê duyệt, Phó Vụ trưởng cho hay. 

Vị thế của nông sản Việt trên thị trường quốc tế

Phát biểu bế mạc chương trình, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, cơ quan quản lý luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để kinh doanh hiệu quả hơn. Sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, vùng miền, gắn theo thị trường từng khu vực.  Cơ quản quản lý đánh giá quá trình này vẫn còn chậm và còn nhiều hạn chế, cần phải tháo gỡ. Nhưng theo ông, đây là quá trình lâu dài, không thể thực hiện chỉ trong một đến hai năm. 

 
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn.  Ảnh: Ngọc Thành

Dù còn nhiều hạn chế, nhưng ông Trần Thanh Nam vẫn đưa ra bức tranh lạc quan về nông sản Việt khi có tới 10 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu riêng rau củ quả năm 2017 đạt 3,52 tỷ USD, tăng 40% so với 2016, vượt cả xuất khẩu dầu thô. 

"Chúng ta phải nhìn một cách tổng thể để thấy các sản phẩm nông sản Việt Nam đã có vị thế nhất định trên thế giới, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ", ông khẳng định. 

Nguồn: https://kinhdoanh.vnexpress.net