Tiếng Việt | English
News & Events
CONTACT

BLUEWAVE ADVISORY CO., LTD.

8th Floor, The Loyal Office Building

151 Vo Thi Sau st., Ward 6, District 3

Ho Chi Minh City, Vietnam

Tel: + 84 938 251 259          

Fax: + 84 28 3936 2999

Email: info*-at-*bluewaveadvisory*-dot-*com

Website: www.bluewaveadvisory.com

TIN TƯC: Một Việt Nam phát triển vào năm 2045

Bà Phạm Chi Lan là một trong những thành viên lâu năm thuộc Ban nghiên cứu của Thủ tướng dưới thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Với uy tín đó, cách đây nhiều năm, bà được mời tham gia xây dựng báo cáo Việt Nam 2035. Đây là báo cáo dự báo về tương lai của Việt Nam nhắm tới dịp 50 năm sau đổi mới.

Năm 2016, báo cáo Việt Nam 2035 được công bố, lần đầu tiên những kịch bản tương lai của Việt Nam tầm nhìn 20 năm đã được tính đến. Bà Chi Lan cho rằng đó là một trải nghiệm thú vị khi bản thân cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu về tương lai của Việt Nam. Tương lai ấy được đo đếm, lượng hóa qua những con số, kịch bản cụ thể.

Hai năm sau, vào kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn Việt Nam 2045, hướng tới dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, với tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ. Khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.

Và cách đây vài ngày, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh tầm nhìn này trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 (1945 - 2020) và chuẩn bị tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Bà Chi Lan cho rằng dù tầm nhìn 2035, hay xa hơn tới 2045 thì đều là những nhiệm vụ rất thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam trở nên thịnh vượng.

Trong bài viết của mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng, hướng tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI chứ không chỉ một hay vài nhiệm kỳ sắp tới.

Theo đó, 5 năm nữa, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, khi đó Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Phân tích cụ thể về những mục tiêu này, PGS TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, cho rằng có nhiều cách hiểu và phân loại nước phát triển, nước thu nhập trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là cách chia của Ngân hàng Thế giới (WB) và đang được nhiều nước áp dụng.

WB phân loại các nước có thu nhập trung bình ở khoảng 1.000-12.000 USD/người/năm. Trong số này lại chia làm 3 nhóm: nhóm thu nhập trung bình thấp, nhóm thu nhập trung bình và nhóm thu nhập trung bình cao.

Nhóm thu nhập trung bình thấp là khoảng 1.000-4.000 USD, nhóm thu nhập trung bình khoảng 4.000-8.000 USD, nhóm thu nhập trung bình cao khoảng 8.000-12.000 USD. Cũng có một số cách chia tính vượt 7.000 USD là nhóm thu nhập trung bình cao. Sau khi vượt mốc 12.000 USD thì được coi là nước có thu nhập cao.

Kết thúc năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam là khoảng 2.800 USD. Nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót, con số có thể đạt trên 3.000 USD. Như vậy, Việt Nam đã thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng là trung bình thấp.

Do đó, nhiều ý kiến đề xuất đến cuối nhiệm kỳ tới là 2025, thu nhập bình quân đầu người có thể đạt mức 5.000 USD/người/năm và vượt lên trên nhóm thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người có thể vượt 7.000-8.000 USD và thuộc nhóm thu nhập trung bình cao.

Dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước 2045, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người có thể vượt mốc 12.000 USD và thuộc hàng nước có thu nhập cao.

Trong khi đó về nội hàm thế nào là nước công nghiệp đang căn cứ theo quy ước của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO). Tiêu chí chủ yếu là hàm lượng công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp và chia bình quân đầu người.

Tổ chức này quy ước nước nào có giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người từ 1.000 đến 2.500 USD, hoặc giá trị này chiếm 0,5% toàn cầu trở lên là nước công nghiệp. Còn nước công nghiệp phát triển thì giá trị gia tăng công nghiệp chế biến chế tạo bình quân đầu người phải trên 2.500 USD.

PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng một nước phát triển không chỉ có mức thu nhập cao, mà phải đảm bảo tăng trưởng xanh và bao trùm. Ông nhấn mạnh khi đó, nền kinh tế sẽ hiệu quả với năng suất cao, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, sự phát triển gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo cơ hội tham gia của người dân, công bằng trong phân phối kết quả tăng trưởng.

“Mục tiêu phải vừa nhân văn, vừa hiện đại, đó cũng là điều chúng ta luôn hướng đến: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ông nói. 

2017 được coi là năm khá thành công của Chính phủ ngay đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm trước đó. Tuy vậy, khi chủ trì hội nghị Chính phủ với địa phương vào những ngày cuối năm, Thủ tướng nói rằng: “Có gì mà quá phấn khởi”.

Ông nhấn mạnh kể cả mức tăng trưởng 6,81% thì GDP bình quân đầu người năm đó đạt 2.385 USD, vẫn là một mức thu nhập quá thấp.

“Đó phải là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta mới phải”, ông nói.

Một năm sau, quy mô GDP Việt Nam đạt 244 tỷ USD và lọt vào nhóm 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi chia bình quân đầu người thì chỉ đạt 2.563 USD. Liên Hợp Quốc xếp thu nhập người Việt Nam đứng thứ 135 trên tổng số 192 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Nếu so sánh với Monaco, nền kinh tế có thu nhập bình quân lớn nhất năm 2019 ở mức 186.000 USD, gấp gần 73 lần Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam vẫn đi sau Hàn Quốc khoảng 40 năm, sau Thái Lan 14 năm, sau Philippines khoảng 6 năm… Nói vậy mới thấy chặng đường để Việt Nam vươn mình trở thành một nước có thu nhập trung bình cao, hay thu nhập cao là rất dài và rất thách thức phía trước. 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng đặt mục tiêu cao là đáng hoan nghênh để có sự cố gắng, đồng lòng vươn lên. Ông cho biết quy mô GDP năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới chỉ khoảng 12-13 tỷ USD. Thu nhập bình quân năm 1985 chỉ đạt 230 USD/người. Tuy nhiên, đến nay quy mô GDP đã đạt khoảng 260 tỷ USD, thu nhập bình quân đã tăng hơn 10 lần.

Ông Tuấn nhận định kinh tế Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ sau nhiều năm đổi mới. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt sẽ rất thách thức bởi Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, biến động của tình hình thế giới, thiên tai, dịch bệnh, thị trường xuất khẩu, bài toán tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định để đạt được mục tiêu như đã đề ra, kinh tế Việt Nam sẽ phải đạt tăng trưởng cao và đều đặn trong nhiều năm. Nghĩa là Việt Nam phải duy trì tốc độ tăng trưởng 6,8-7%/năm trong 20-30 năm tới mới có thể hiện thực hóa tầm nhìn.

Trong báo cáo Việt Nam 2035, bà Lan cho biết có tới 4 kịch bản tăng trưởng GDP đã được đưa ra dựa trên mức tăng trưởng bình quân hàng năm của Việt Nam từ 4% đến 7%.

Nếu tăng trưởng liên tục 4%/năm, thì 2035 mới có mức thu nhập bình quân đầu người bằng Trung Quốc năm 2014 và Thái Lan năm 2010. Nếu tăng trưởng 5%/năm thì sau 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bằng thu nhập của Malaysia năm 2001 và Brazil năm 2014. 

Nếu tăng trưởng 6%/năm, Việt Nam bằng thu nhập của Malaysia năm 2010 và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013. Còn nếu tăng trưởng 7%/năm, 15 năm tới, thu nhập người Việt sẽ bằng Hàn Quốc năm 2003 và Malaysia năm 2013.

“Nếu từ năm 2003, kinh tế Hàn Quốc không thay đổi thì 2035 chúng ta mới đuổi kịp họ, nhưng phải tăng trưởng 7%/năm”, bà Phạm Chi Lan nói.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đến từ Học viện Tài chính cho rằng khi quy mô nền kinh tế càng cao, thì để tăng thêm 1 điểm % sẽ càng khó. Trước đây Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 7-8%/năm nhưng là do xuất phát điểm thấp. Trong tương lai, xuất phát điểm cao hơn, sẽ là thách thức rất lớn cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. 

Quảng Ninh đang được coi là một trong những “ngôi sao” phát triển của Việt Nam khi tăng trưởng GRDP hàng năm đạt mức 2 con số. Năm 2020, tỉnh này đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 6.500 USD, nghĩa là cao gấp đôi cả nước.

Nếu duy trì tốc độ 11%/năm, vào 2030, thu nhập bình quân của người Quảng Ninh sẽ đạt khoảng 18.500 USD/năm, tương đương với thu nhập của một quốc gia phát triển. Như vậy, tỉnh này có thể về đích trước cả nước hàng chục năm trong tầm nhìn Việt Nam 2045.

Để có sự phát triển này, Quảng Ninh đang có sự đột phá rất lớn về cải cách thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tỉnh này cũng chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ, coi như động lực chính cho tăng trưởng. Đây cũng là những đột phá chiến lược, những động lực tăng trưởng mà Đảng đã xác định từ nhiều năm trước, trong xây dựng và phát triển đất nước.

Theo nhiều chuyên gia, từ câu chuyện của Quảng Ninh cho thấy mục tiêu thu nhập bình quân sắp tới là thách thức, nhưng không phải là không hiện thực hóa được trên phạm vi cả nước.

PGS TS Bùi Quang Tuấn cho rằng mục tiêu cao sẽ tạo ra khát vọng, nhưng cũng đi kèm sức ép. Các nhà lãnh đạo sẽ phải vận dụng hết trí tuệ, nguồn lực để phục vụ mục tiêu này.

Ông cho rằng trước mắt, cần rà soát lại tất cả các nguồn lực, đánh giá xem đã huy động và phát huy hết hay chưa. Từ đó, tìm ra cách thức để tạo đột phá trong một số lĩnh vực mũi nhọn.

Ông Tuấn nhấn mạnh cần tập trung và tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, giúp tận dụng lợi thế so sánh của Việt Nam. Ông cho biết bối cảnh hiện tại, Việt Nam trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, dư địa tăng trưởng còn lớn. Nếu áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ sẽ giúp tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới.

Ông cũng mong muốn về thể chế cần phải xây dựng làm sao khuyến khích được sự sáng tạo, cống hiến nhiều hơn của người dân. Muốn thế phải có chính sách thu hút người tài trong và ngoài nước, ai có năng lực đều có thể cống hiến và sáng tạo.

“Chúng ta đang có lợi thế về nguồn nhân lực thì phải tận dụng. Và nếu không tận dụng thời kỳ dân số vàng này thì vĩnh viễn có thể không làm được”, ông nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng cần phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Ông nhấn mạnh đây phải là khu vực sáng tạo bậc nhất, năng suất cao nhất. Khi huy động được sự đóng góp của đội ngũ này, doanh nghiệp Việt sẽ lớn mạnh và vươn ra tầm thế giới. Hiện các nước phát triển đều có những doanh nghiệp vươn tầm khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó, chia sẻ về quan điểm phát triển, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh để thu hẹp khoảng cách với các nước, Việt Nam phải phát triển nhanh và bền vững. Để làm được điều đó, ông cho rằng giai đoạn phải dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phải chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người để tạo sức mạnh phát triển. Ông mong muốn giai đoạn tới phải khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần phải đổi mới thể chế rất mạnh mẽ, trong đó phát triển khu vực tư nhân, trở thành động lực cho phát triển. Vị chuyên gia kinh tế cho rằng mấu chốt là phải phân bổ nguồn lực của Việt Nam sao cho hợp lý.

Các quyết định về kinh tế nên dựa trên yêu cầu của thị trường chứ không phải yêu cầu khác. Phải lấy tiêu chuẩn hiệu quả làm ưu tiên, khu vực nào, lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào hiệu quả nhất thì được tập trung đầu tư.

Cuối cùng, bà Phạm Chi Lan cho rằng một nước phát triển, thịnh vượng thì phải có một xã hội hài hòa, công bằng, mọi đối tượng đều được quan tâm, nói cách khác là phải phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Nhân tố công bằng rất quan trọng, giúp đảm bảo xã hội, phát huy hết nguồn lực của người dân, tạo sự phát triển đồng đều, không để ai bỏ lại phía sau”, bà nói.

Ở tuổi 75, bà Phạm Chi Lan vẫn không ngừng nghiên cứu về kinh tế. Bà còn nhớ như in và có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để nói về các số liệu, các nghiên cứu mình từng tham gia. Bà kể lại đã sát cánh cùng Ban nghiên cứu của Thủ tướng từ đầu những năm 90, đến nay bà chứng kiến biết bao sự thay đổi của đất nước.

Việt Nam đã vươn mình từ một nước thu nhập thấp trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Và trong tương lai tới, bà mong muốn Việt Nam sẽ thịnh vượng hơn, đạt được những mục tiêu đề ra, dù thách thức không nhỏ phía trước.

“Việt Nam sẽ là một đất nước thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, bà nói.

Nguồn: https://ndh.vn/